PMI Talent Triangle 2025: Công Thức Cho Project Management
Tìm hiểu Ways of Working, Power Skills, và Business Acumen để nâng tầm sự nghiệp trong thời đại số
Bạn có biết rằng mỗi năm có hàng nghìn dự án đổ vỡ cũng như thất bại, lý do không phải vì thiếu nguồn lực cũng như không phải thiếu kinh phí, mà vì các Project Manager (PM) chưa được trang bị đầy đủ để đối mặt với sự phức tạp ngày càng tăng của công việc. Thực tế, theo báo cáo Pulse of Profession năm 2023 của PMI, 42% các dự án thất bại chính là vì lý do này.
Đó là một con số đáng báo động, nhưng cũng là lời nhắc cho chúng ta, những người đảm nhận vai trò quản lý và điều phối trong dự án. Và PMI Talent Triangle chính là chìa khoá để giải quyết vấn đề này, bằng cách kết hợp ba yếu tố then chốt - Ways of Working, Power Skills và Business Acumen - framework này không chỉ giúp nâng cao kỹ năng quản lý mà còn giúp bạn trở thành một nhà lãnh đạo toàn diện. Trong bài viết này, mình sẽ cùng mọi người tìm hiểu về khái niệm và cách áp dụng của PMI Talent Triangle.
PMI Talent Triangle Là Gì?
Cá nhân mình khi bắt đầu tìm hiểu điều gì đó thì luôn đi từ nguồn gốc của vấn đề và tìm hiểu về bản chất của nó, vậy đầu tiên chúng ta cần biết PMI Talent Triangle là gì?
Đây là một mô hình được PMI thiết kế để hỗ trợ các nhà quản lý dự án phát triển toàn diện các kỹ năng cần thiết. Quay lại một chút về lịch sử, mô hình này được PMI giới thiệu vào cuối năm 2015, trước đó Project Management đa phần chỉ tập trung vào các kỹ năng truyền thống như Scope, Schedule, Cost và Risk.
Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, sự phức tạp ngày càng gia tăng của các dự án toàn cầu và sự phát triển của mô hình Agile, PMI nhận ra rằng nếu chỉ tập trung vào các yếu tố trên là chưa đủ, các dự án không chỉ cần hoàn thiện đúng hạn và trong phạm vi ngân sách, mà còn phải đóng góp vào chiến lược kinh doanh và mang lại giá trị bền vững cho tổ chức.
Ban đầu khi ra mắt vào năm 2015 thì mô hình chỉ tập trung vào ba yếu tố bao gồm Technical Project Management, Leadership và Strategic & Business Management. Và trong xuyên suốt từ 2015 đến 2022 thì đây chính là chìa khoá giúp các chuyên gia quản lý dự án không chỉ giỏi về kỹ thuật mà còn trở thành những leader có tầm nhìn, góp phần mang lại giá trị bền vững cho tổ chức.
Tuy nhiên, vào năm 2022 thì PMI quyết định cập nhật mô hình này, thay đổi ba yếu tố trên thành Ways of Working, Power Skills, và Business Acumen. Sự thay đổi này không chỉ là một sự điều chỉnh nhỏ mà phản ánh nhu cầu thực tế của ngành quản lý dự án trong bối cảnh hiện đại.
Thứ nhất, đó là sự phát triển của ngành Project Management khi mà các phương pháp như Agile, Hybrid, và Design Thinking trở nên phổ biến, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ và sáng tạo. Đồng thời, sự bùng nổ của các công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI), phân tích dữ liệu lớn (Big Data), và tự động hóa đòi hỏi các nhà quản lý dự án phải thành thạo không chỉ các công cụ truyền thống mà còn các công nghệ mới để tối ưu hóa quy trình và ra quyết định hiệu quả hơn.
Thứ hai, việc thay đổi thuật ngữ Leadership thành Power Skills vì PMI cho rằng Leadership chỉ là một trong những kỹ năng mềm quan trọng, khi mở rộng ra thành Power Skills thì có thể mở rộng thêm các kỹ năng như Active Listening, Communication, Emotional Intelligence,… Tương tự, Strategic and Business Management được đổi thành Business Acumen để làm rõ vai trò của nhà quản lý dự án trong việc áp dụng kiến thức kinh doanh nhằm tạo ra giá trị chiến lược cho tổ chức.
Thứ ba, những khái niệm như Ways of Working, Power Skills, và Business Acumen đang trở thành xu hướng nổi bật trên toàn cầu. PMI cập nhật khuôn khổ của mình để phù hợp với những xu hướng này, đảm bảo rằng các nhà quản lý dự án có thể linh hoạt áp dụng các phương pháp từ truyền thống như Waterfall đến hiện đại như Agile, tùy thuộc vào đặc thù của từng dự án.
PMI đã thu thập ý kiến từ cộng đồng chuyên gia quản lý dự án trên toàn thế giới. Các khảo sát chỉ ra rằng kỹ năng lãnh đạo, hiểu biết kinh doanh và kỹ năng số (digital skills) ngày càng quan trọng. Sự thay đổi vào năm 2022 là kết quả của việc lắng nghe và đáp ứng những nhu cầu thực tế này, giúp khuôn khổ PMI Talent Triangle trở nên phù hợp hơn với thời đại.
Đối với những người sở hữu chứng chỉ PMP, việc hiểu và áp dụng PMI Talent Triangle là chìa khóa để đáp ứng yêu cầu Professional Development Units (PDUs) và duy trì chứng chỉ.
Ways of Working: Từ Kỹ Thuật Đến Sự Linh hoạt Và Sáng Tạo
Ways of Working là một trong ba trụ cột chính của PMI Talent Triangle (cùng với Power Skills và Business Acumen), tập trung vào các kỹ năng kỹ thuật và phương pháp thực hiện dự án. Trước đây, lĩnh vực này được gọi là Technical Project Management, nhưng tên gọi đã được cập nhật để phản ánh sự linh hoạt và đa dạng trong cách tiếp cận quản lý dự án thời hiện đại. Nó nhấn mạnh khả năng áp dụng các phương pháp và công cụ phù hợp để đảm bảo dự án thành công trong bối cảnh thay đổi nhanh chóng của môi trường kinh doanh.
Ways of Working sẽ bao gồm một loạt các kỹ năng cần thiết để quản lý dự án một cách hiệu quả. Các bạn có thể xem hình trên để thấy đầy đủ và chi tiết các kỹ năng phổ biến, mình sẽ giới thiệu một vài kỹ năng và khả năng áp dụng vào thực tế.
Agile Project Management
Agile thì quá phổ biến với anh em làm Project Management, kỹ năng này sẽ tập trung vào sự linh hoạt và thích ứng với thay đổi, sử dụng các framework như Scrum, Kanban, hoặc Lean. Một số yếu tố quan trọng:
Tổ chức các sprint ngắn từ 2 đến 4 tuần để phát triển sản phẩm theo từng giai đoạn, tạo ra các increment sớm hơn.
Thu thập và áp dụng phản hồi liên tục từ khách hàng thông qua các sprint review.
Quản lý đội ngũ dựa trên sự tự tổ chức và hợp tác.
Ví dụ: Một nhóm phát triển ứng dụng mobile có thể dùng Scrum để cập nhật tính năng mới mỗi hai tuần dựa trên phản hồi người dùng.
Design Thinking
Đối với kỹ năng này thì sẽ sử dụng tư duy sáng tạo để giải quyết vấn đề và nâng cao trải nghiệm người dùng.
Empathy với nhu cầu của khách hàng hoặc người dùng cuối.
Thử nghiệm nhanh các ý tưởng thông qua nguyên mẫu (prototype).
Ví dụ: Một đội ngũ thiết kế sản phẩm có thể tổ chức workshop với khách hàng để hiểu rõ nhu cầu, sau đó tạo nguyên mẫu thử nghiệm trước khi phát triển chính thức.
Risk & Change Management
Rủi ro là một trong những yếu tố cực kỳ quan trọng trong Project Management, nó giúp bạn xác định ra những điều không chắn chắn và những yếu tố có thể ảnh hưởng đến dự án. Từ đó xây dựng phương án để xử lý các rủi ro đó khi nó xảy ra trong dự án, điều này sẽ đảm bảo dự án không bị gián đoạn bởi các yếu tố đó.
Xác định rủi ro tiềm ẩn thông qua phân tích SWOT hoặc ma trận rủi ro, từ đó tiến hành xây dựng Risk Register.
Đánh giá mức độ ảnh hưởng của rủi ro trong dự án thông qua mức độ ảnh hưởng (impact) và tần suất xuất hiện rủi rỏ (likelihood).
Xây dựng phương án để xử lý rủi ro (Risk Response) và đánh giá hiện trả của rủi ro sau khi áp dụng phương pháp.
Lập kế hoạch dự phòng và điều chỉnh nhanh khi có thay đổi.
Ví dụ: Trong một dự án quốc tế, nhà quản lý có thể dự đoán rủi ro về tỷ giá ngoại tệ và chuẩn bị các phương án tài chính thay thế.
Đợt rồi mình tham gia triển khai dự án ISO 27001 liên quan đến Security và Privacy thì Risk Management cũng là một phần cực kỳ quan trọng, mình sẽ có những bài viết chuyên sâu cho phần này sau nhé.
Cách ứng dụng Ways of Working trong thực tế
Phía trên là lý thuyết nhưng việc áp dụng Ways of Working đòi hỏi sự linh hoạt và chiến lược. Dưới đây là cách thực hiện:
Lựa chọn phương pháp phù hợp
Dự án có yêu cầu cố định, ít thay đổi (như xây dựng hạ tầng): Sử dụng Waterfall.
Dự án cần phản hồi nhanh, thay đổi liên tục (như phát triển phần mềm): Áp dụng Agile.
Dự án phức tạp, nhiều giai đoạn khác nhau: Kết hợp Hybrid
Ví dụ: Một công ty sản xuất có thể dùng Waterfall để lập kế hoạch dây chuyền, nhưng dùng Agile để phát triển phần mềm điều khiển.
Sử dụng công cụ và kỹ thuật
JIRA hoặc Trello cho quản lý Agile, theo dõi tiến độ các sprint.
Microsoft Project hoặc Primavera cho lập kế hoạch Waterfall.
Tableau hoặc Power BI để trực quan hóa dữ liệu và báo cáo hiệu suất dự án.
Ví dụ: Cá nhân mình hay sử dụng JIRA vì đây là một công cụ giúp mình áp dụng Scrum một cách hiệu quả, có thể dễ dàng quản lý các user story thông qua các sprint. Chính trên JIRA cũng hỗ trợ rất nhiều chart để trực quan hoá dữ liệu, giúp dễ dàng báo cáo tiến độ với khách hàng.
Harold Kerzner, tác giả cuốn Project Management: A Systems Approach to Planning, Scheduling, and Controlling, đã nhận xét:
“Quản lý dự án không còn là một quy trình cứng nhắc. Ngày nay, nhà quản lý dự án phải linh hoạt trong cách thức làm việc để đáp ứng sự thay đổi nhanh chóng của môi trường kinh doanh.”
Lời khuyên này nhấn mạnh rằng sự thích ứng là chìa khóa để thành công.
Antonio Nieto-Rodriguez, chuyên gia nổi tiếng và tác giả của The Focused Organization, cũng từng chia sẻ:
“Ways of Working không chỉ là về kỹ thuật, mà còn là về tư duy sáng tạo và khả năng thích ứng. Các nhà quản lý dự án thành công là những người có thể chuyển đổi linh hoạt giữa các phương pháp khác nhau.”
Ông khuyến khích kết hợp Design Thinking với các phương pháp truyền thống để tạo ra giá trị tối ưu.
Power Skills: Sức Mạnh Lãnh Đạo Đằng Sau Thành Công Dự Án
Tiếp đến trụ cột thứ hai của PMI Talent Triangle đó là Power Skills, được cập nhật từ khái niệm Leadership trước năm 2022. Tên gọi mới này nhấn mạnh vai trò quan trọng của các kỹ năng mềm trong việc dẫn dắt đội ngũ, quản lý các bên liên quan và đảm bảo sự thành công của dự án trong môi trường phức tạp ngày nay. Nếu Ways of Working tập trung vào "làm thế nào" để hoàn thành dự án, thì Power Skills trả lời câu hỏi "làm thế nào" để tạo động lực, kết nối và thúc đẩy đội ngũ đạt được mục tiêu chung.
Power Skills bao gồm các kỹ năng mềm cần thiết để nhà quản lý dự án không chỉ thực hiện công việc mà còn trở thành nhà lãnh đạo hiệu quả. Mình sẽ liệt kê và giải thích một số kỹ năng quan trọng và phổ biến nhé.
Communication
Khả năng truyền đạt thông tin rõ ràng, lắng nghe tích cực và điều chỉnh cách giao tiếp với các đối tượng khác nhau (đội ngũ, khách hàng, lãnh đạo).
Đây là kỹ năng quan trọng và phần lớn thời gian trong ngày của một PM thì sẽ tập trung vào kỹ năng này.
Ví dụ: Trong một cuộc họp với nhà đầu tư, bạn trình bày tiến độ dự án bằng dữ liệu trực quan thay vì báo cáo dài dòng để thuyết phục họ tiếp tục tài trợ.
Collaborative Leadership
Để mà nói về Leadership thì thực sự cần một đến hai bài viết mới có thể trình bày hết, nên ở đây mình chỉ đơn giản hoá khái niệm cũng như ví dụ thôi nhé.
Hiểu đơn giản là dẫn dắt đội ngũ bằng cách khuyến khích sự tham gia, xây dựng sự tin tưởng và thúc đẩy tinh thần đồng đội thay vì chỉ đạo cứng nhắc.
Ví dụ: Thay vì ra lệnh, bạn tổ chức một buổi họp nhóm để cùng tìm giải pháp cho vấn đề trễ hạn trong dự án.
Empathy
Hiểu và tôn trọng cảm xúc, quan điểm của các thành viên trong nhóm và các bên liên quan để giải quyết xung đột và xây dựng mối quan hệ bền vững.
Ví dụ: Khi một thành viên nhóm bị quá tải, bạn điều chỉnh khối lượng công việc và thảo luận riêng để hỗ trợ họ.
Conflict Management
Nhận diện nguyên nhân xung đột, hòa giải và đưa ra giải pháp đôi bên cùng có lợi.
Ví dụ: Khi hai nhóm bất đồng về cách triển khai một tính năng, bạn tổ chức một phiên thảo luận để thống nhất hướng đi.
Innovative Mindset
Khuyến khích đội ngũ thử nghiệm ý tưởng mới và sẵn sàng chấp nhận thất bại để tìm ra giải pháp tốt hơn.
Tuy nhiên, ý tưởng mới cũng nên cần có sự đánh giá về tính khả thi, chứ không phải lúc nào có ý tưởng mới thì chúng ta cũng đều phải thử nghiệm
Ví dụ: Trong một dự án quảng cáo, bạn thúc đẩy nhóm thử nghiệm một chiến dịch TikTok sáng tạo dù ban đầu không ai tin nó sẽ thành công. Có thể xác định phạm vi nhỏ để thực hiện và đo lường kết quả.
Adaptability
Đây được xem là một trong những kỹ năng quan trọng trong thời đại mà công nghệ phát triển vô cùng nhanh chóng.
Linh hoạt điều chỉnh chiến lược và cách làm việc khi đối mặt với thay đổi bất ngờ.
Ví dụ: Khi khách hàng thay đổi yêu cầu giữa chừng, bạn nhanh chóng tái cấu trúc kế hoạch mà không làm gián đoạn đội ngũ.
Các chuyên gia quản lý dự án hàng đầu đã nhấn mạnh tầm quan trọng của Power Skills như Rita Mulcahy, tác giả của PMP Exam Prep, khẳng định:
“Kỹ năng mềm không phải là tùy chọn – chúng là yếu tố quyết định giữa một nhà quản lý dự án giỏi và một nhà quản lý xuất sắc. Giao tiếp và thấu cảm là nền tảng để xây dựng đội ngũ mạnh mẽ.”
Lời khuyên này nhấn mạnh rằng Power Skills là chất keo gắn kết đội ngũ và dự án.
Hay những nghiên cứu từ McKinsey cũng cho rằng:
“80% các nhà lãnh đạo tin rằng kỹ năng mềm – đặc biệt là giao tiếp và lãnh đạo – là yếu tố quyết định để quản lý đội ngũ đa dạng trong môi trường toàn cầu hóa.”
Điều này khẳng định vai trò của Power Skills trong bối cảnh hiện đại.
Business Acumen: Tầm Nhìn Chiến Lược Đằng Sau Mọi Dự Án Thành Công
Và cuối cùng đó là Business Acumen, được cập nhật từ khái niệm Strategic and Business Management trước năm 2022. Tên gọi mới này nhấn mạnh khả năng hiểu biết sâu sắc về bối cảnh kinh doanh và đưa ra các quyết định chiến lược nhằm tối ưu hóa giá trị của dự án đối với tổ chức. Nếu Ways of Working tập trung vào cách thực hiện dự án và Power Skills xây dựng đội ngũ, thì Business Acumen đảm bảo rằng mọi nỗ lực đều phục vụ mục tiêu lớn hơn của doanh nghiệp, từ đó nâng cao vị thế của nhà quản lý dự án từ người thực hiện thành người định hướng chiến lược.
Business Acumen giúp kết nối giữa dự án và các yếu tố chiến lược và kinh doanh, đây mới thực sự là thành công của dự án. Mình có viết một bài về Project Success, bạn có thể tìm đọc lại để hiểu rõ nhé. Một số kỹ năng chính của Business Acumen bao gồm.
Organizational Strategy
Nắm bắt mục tiêu dài hạn của doanh nghiệp và cách dự án đóng góp vào các mục tiêu đó.
Ví dụ: Hiểu rằng một dự án phát triển ứng dụng không chỉ là tạo ra sản phẩm mà còn là cách để tăng thị phần trong ngành công nghệ.
Market Analysis
Đánh giá xu hướng thị trường, nhu cầu khách hàng và đối thủ cạnh tranh để định hướng dự án phù hợp.
Việc nghiên cứu thị trường, giúp đánh giá tính khả thi của các ý tưởng đầu vào trước khi thực hiện, điều đó cũng giúp đảm bảo dự án thành công sau khi triển khai.
Ví dụ: Trước khi triển khai một sản phẩm mới, bạn nghiên cứu các đối thủ để đảm bảo tính năng của mình nổi bật hơn.
Financial Management
Hiểu các khái niệm như ROI (Return on Investment), NPV (Net Present Value), và cách tối ưu hóa ngân sách dự án.
Finance là thành phần quan trọng trong dự án, ngoài các chi phí triển khai dự án (budget) chúng ta còn phải đánh giá và đo lường ROI cho dự án cũng như biết cách tối ưu hoá ngân sách.
Ví dụ: Đề xuất giảm chi phí bằng cách thuê ngoài một phần công việc thay vì đầu tư vào tài nguyên nội bộ.
Ngoài ra còn một số kỹ năng như Strategic Decision-Making, Strategic Risk Management và Regulatory and Compliance Knowledge. Các bạn có thể tìm hiểu thêm nhé.
Kết Luận
Sự phát triển của PMI Talent Triangle từ năm 2015 đến 2022 và sau đó từ 2022 đến hiên nay 2025, tuy đã có nhiều thay đổi tuy nhiên các thay đổi đó chính là thích nghi phù hợp với nhu cầu hiện đại. Điều này cho thấy sự linh hoạt và tầm nhìn của PMI.
Việc áp dụng và hiểu về PMI Talent Triangle không chỉ ở mức độ lý thuyết mà bạn còn cần ứng dụng vào trong dự án thực tế. Một insight khá thú vị của mô hình này nếu bạn để ý đó chính là một tam giác cân đại diện cho sự cân bằng, thành công không chỉ đến từ Ways of Working mà đòi hỏi sự kết hợp hài hòa với Power Skills và Business Acumen, đặc biệt trong bối cảnh văn hoá hiện đại ngày nay, nơi kỹ năng giao tiếp rất được coi trọng.
Trong khuôn khổ một bài viết mình không thể trình bày chi tiết từng kỹ năng trong mô hình được nhưng mong rằng đây sẽ là một bài viết tổng quan để bạn hiểu được mô hình, từ đó sẽ tiếp tục nghiên cứu và phát triển thêm các kỹ năng.
Cảm ơn vì bài viết của anh, với em hiện tại đang gặp khó khăn ở khía cạnh Communication thành ra luôn có khoảng gap lớn giữa KH, PO & đội ngũ triển khai. Không biết anh có lời khuyên hay resource nào để em tìm hiểu tham khảo không ạ?